Ngày 21/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Đây là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nghị định này tập trung vào việc siết chặt quản lý và xử phạt các hành vi vi phạm trên không gian mạng, với những điểm nổi bật đáng chú ý.
Nghị định mới quy định mức phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với các hành vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa có sự đồng ý theo quy định hoặc sử dụng thông tin của người tiêu dùng không đúng với mục đích đã thông báo. Đối với những vi phạm nghiêm trọng hơn, mức phạt có thể từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, bao gồm việc không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng hoặc chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý.
Đặc biệt, mức phạt sẽ tăng gấp đôi nếu thông tin liên quan là dữ liệu cá nhân nhạy cảm và gấp bốn lần nếu vi phạm do tổ chức vận hành nền tảng số lớn thực hiện. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng trên môi trường số.
Nghị định cũng bổ sung Điều 53a, quy định mức phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với chủ thể kinh doanh trên nền tảng số có các hành vi vi phạm như ngăn hiển thị hoặc hiển thị sai sự thật về đánh giá, phản hồi của người tiêu dùng, quấy rối người tiêu dùng bằng cách liên hệ không mong muốn để quảng cáo, hoặc không hoàn tiền, đổi trả sản phẩm khi hàng hóa không đúng với thông tin công bố.
Ngoài ra, các hành vi gian lận như đánh tráo sản phẩm khi giao hàng, yêu cầu người tiêu dùng mua thêm sản phẩm như điều kiện bắt buộc để giao dịch, hoặc không công khai việc tài trợ cho người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm cũng sẽ bị xử phạt nặng. Đặc biệt, mức phạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng sẽ áp dụng đối với tổ chức không xác thực danh tính người bán trên nền tảng của mình, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn.
Bên cạnh việc xử phạt trong thương mại điện tử, Nghị định 24/2025 cũng nhấn mạnh việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản liên quan đến thi hành án. Việc giám sát chặt chẽ giúp ngăn chặn các hành vi gian lận, bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong giao dịch tài sản, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Mục tiêu của Nghị định là nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Nghị định này được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng một thị trường thương mại điện tử an toàn, đáng tin cậy.
Nghị định 24/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24/02/2025, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, đặc biệt trong bối cảnh số hóa và thương mại điện tử đang ngày càng phát triển. Để thực thi hiệu quả Nghị định, các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác và lựa chọn các nền tảng mua sắm uy tín.
Nguồn tin: Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang